Khi trời trở lạnh đúng vào dịp nụ đã căng thì cũng sẽ giữ hoa lại không nở cho đến khi trời ấm lên lại. Hoa nở bung ra ít ngày, rồi một trận gió thổi qua hay một trận mưa xuân nhẹ đến, từng cánh anh đào mỏng manh nương theo làn gió lìa hoa, lìa cành.
Đời sống của những đóa hoa Anh Đào thật ngắn ngủi, nhưng có hai lần trở thành tuyệt đẹp: khi hoa nở rực rỡ dưới ánh nắng xuân và khi hoa bay theo làn gió lìa cành. Samurai tự ví đời sống mình đẹp như đời sống của đóa hoa anh đào. Ở đó, sự sống và sự chết đều có nét đẹp khác nhau. Sự can đảm đã tạo dựng cho các samurai xem cái chết như là một điều vinh dự, một cái đẹp của cánh hoa đào rơi. Kẻ mạnh bao giờ cũng được tôn sùng bởi kẻ yếu, nhờ chiến đấu giỏi họ bảo vệ được quyền lợi của kẻ yếu. Những biệt tài đó nâng kẻ mạnh thành người hùng, thành những chiến sĩ, kiếm sĩ lỗi lạc.
Phát triển từ thế kỷ thứ 3 cho đến thế kỷ thứ 12, võ sĩ đạo bắt đầu hình thành, lớn mạnh trong xã hội Nhật và đến triều đại Tokugawa (1603-1867) đã đóng một vai trò quan trọng dưới trướng hai thế lực lớn ở Nhật là Taira và Minamoto. Để có được lực lượng tuỳ tùng giỏi, các lãnh chúa đã tổ chức những kiếm sĩ, những võ sĩ đạo xuất sắc thành một đạo quân được gọi là shogun. Trong tiếng Nhật, ý nghĩa của Samurai gần như có liên hệ đến từ “phục vụ“, nghĩa là người võ sĩ đạo là người phục vụ, phục tùng các lãnh chúa (daimyo). Theo lịch sử Nhật thì hầu hết các cuộc tranh quyền đoạt vị của các lãnh chúa daimyo đều bắt nguồn từ tranh chấp về lãnh thổ. Võ sĩ đạo Nhật đã được huấn luyện đặc biệt về quân sự để giúp các lãnh chúa trông coi nhiều vùng đất rộng, đông dân. Bên cạnh đó có những võ sĩ đạo không trực thuộc một đạo quân nào cả gọi là ronin, tức những võ sĩ đạo không có người lãnh đạo, không có lãnh chúa hoặc người cầm đầu. Điều này có thể xảy ra khi lãnh chúa của họ qua đời, những người ronin trung thành, không còn ai phục vụ sau đó trở về làm ruộng, đi tu, hoặc đánh thuê giết mướn hay trở thành kẻ cướp, côn đồ.
Người võ sĩ đạo có nhiều đặc quyền, họ được phép mang hai thanh kiếm khác nhau ở bên trái, một dài (katana hoặc tachi) một ngắn (wakisashi) và có thể thêm một con dao nhỏ được gọi là tanto, thông thường dùng để mổ bụng tự sát (hara-kiri hoặc seppuki). Tất cả những vũ khí này đã được sử dụng vào cuối thời Kamakura (1185-1333), trước đó cung tên là vũ khí chính. Người dân bình thường không được phép mang các loại vũ khí đó và có thể bị chém nếu có ý định chống đối võ sĩ đạo. Về trang phục, giới võ sĩ đạo cũng khác. Thường thì họ mặc kimono.
( Còn tiếp)
Nguồn: Tinh Thần Võ Sĩ Đạo - Samurai
(htt)